Giới thiệu
Đợt này chắc là do đứt cáp, băng thông đi quốc tế giảm và gần như mình không thể làm được gì vào buổi tối nên mới viết bài hướng dẫn như thế này gửi đến các bạn. Mình vừa gõ mà vừa tức vì cái tốc độ mạng nhanh “khủng khiếp” thế này.
Rồi, bắt đầu nhé, thì đầu tiên chúng ta sẽ tìm hiểu về Media Server và cụ thể là MiniDLNA là gì. Thực tế thì đây là một server dùng để lưu trữ và phát lại qua mạng các tập tin đa phương tiện ví dụ như: Nhạc, phim, podcast, chương trình TV…. Thực tế thì hiện nay có rất nhiều chương trình có thể thay thế được MiniDLNA ví dụ như Plex, Kodi… Các chương trình đó có rất nhiều ưu điểm, tuy nhiên yêu cầu về phần cứng của các chương trình đó cũng không phải ít, mình sẽ có bài hướng dẫn cách cài đặt các server đó sau
Quay lại với MiniDLNA, cái mình đánh giá hay nhất về Media server chính là đơn giản và hỗ trợ trên nhiều thiết bị, ví dụ các bạn có phát phim, nhạc trên tv thông minh mà không cần cài thêm bất kì chương trình gì khác, nó tích hợp vào luôn chương trình Media (thư viện đa phương tiện) trên TV.
Thực sự là thời điểm đứt cáp này thì có cái TV và 1 Media server trong đó có sẵn vài bộ phim hay thì không còn gì bằng, Netflix ở mình hoàn toàn đứng hình và không thể chạy nổi nữa luôn :'(
Cách cài đặt
Bước 1: Cập nhật các tập tin trên Linux
sudo apt-get update sudo apt-get upgrade -y
Bước 2: Cài đặt MiniDLNA
Việc cài đặt này rất đơn giản do chương trình MiniDLNA là một phần trong gói tập tin của Linux. Các bạn chỉ cần chạy câu lệnh sau
sudo apt install minidlna
Bước 3: Cấu hình MiniDLNA
Ở phần này, chúng ta sẽ cấu hình đường dẫn đến các tập tin đa phương tiện (phim, nhạc, chương trình tv…) được lưu trên máy chủ Linux hoặc ổ đĩa gắn ngoài.
Trong bài viết này, ổ đĩa lưu trữ các tập tin đa phương tiện mình sẽ để ở /media/viet/VIET
Chỉnh sửa file cấu hình MiniDLNA bằng nano
sudo nano /etc/minidlna.conf
Tìm vị trí các dòng sau
# * "A" for audio (eg. media_dir=A,/var/lib/minidlna/music) # * "P" for pictures (eg. media_dir=P,/var/lib/minidlna/pictures) # * "V" for video (eg. media_dir=V,/var/lib/minidlna/videos)
Thêm nội dung vào ngày dưới các dòng phía trên với định dạng
media_dir=[TYPE],[PATH]
- [TYPE]: Ký hiệu A cho các dữ liệu âm thanh audio, ký hiệu P cho dữ liệu ảnh và ký hiệu V cho phim – video
- [PATH]: đường dẫn đến thư mục chưa dữ liệu
Ví dụ: Mình có thư mục /media/viet/VIET/movies lưu trữ các thư mục chứa phim và phụ đề của từng phim, mình sẽ thêm dòng: media_dir=V,/media/viet/VIET/movies
Các bạn có thể thêm nhiều thư mục ở nhiều vị trí khác nhau, miễn sao mỗi thư mục 1 dòng và định dạng đúng với loại dữ liệu đó
Tiếp theo, chúng ta sẽ cấu hình tên máy chủ media, tên sẽ được hiển thị ở các thiết bị hỗ trợ
Tìm trong file minidlna.conf dòng sau
#friendly_name=
Bỏ dấu # và điền tên máy chủ vào sau dấu =. Ví dụ mình đặt server là VIETMEDIA, mình sẽ có dòng sau:
friendly_name=VIETMEDIA
Cuối cùng là lưu nội dung vừa chỉnh sửa bằng các phím: Ctrl + X sau đó Y và Enter
Khởi động lại miniDLNA
sudo systemctl restart minidlna
Bước 4: Kiểm tra trạng thái miniDLNA server
Các bạn sử dụng trình duyệt để truy cập địa chỉ
http://[IPADDRESS]:8200
Tại trang này chúng ta sẽ thấy được tên và IP của các thiết bị kết nối tới Media server
Kết luận
Trên đây mình cũng đã hướng dẫn cài đặt 1 media server nhẹ nhàng và đơn giản, nếu trong quá trình cài đặt gặp bất cứ vấn đề hay góp ý thêm về bài viết, vui lòng để lại bình luận để chúng ta cùng thảo luận nhé. Cảm ơn các bạn!